
KTNĐ – Khi đêm xuống, nhiều ngôi nhà trông rất bắt mắt, đó là do cách bố trí ánh sáng phù hợp. Và dù cầu kỳ hay đơn giản ánh sáng trong nhà cũng cần được phân bố hợp các chức năng sinh hoạt và không gian tương ứng.
CATHERINE THỤY NGUYỄN
(NHÀ THIẾT KẾ NỘI THẤT)
Theo tôi thấy, ánh sáng trong nhà dù cầu kỳ hay đơn giản cũng cần được phân bố hợp các chức năng sinh hoạt và không gian tương ứng. Những nơi sinh hoạt chính thường bị cố định bởi vật dụng và thiết bị (ví dụ vị trí bếp, kệ ti vi, giường ngủ, bàn làm việc… ít di dời thay đổi) thì cách chiếu sáng và kiểu dáng đèn phải được tính đến trong “kịch bản sử dụng” thật cụ thể. Chỗ nào cần rõ, chỗ nào cần mờ ảo, chỗ nào lung linh nhẹ nhàng… phải tính hết.
Về cơ bản, có hai cách dùng ánh sáng: hài hòa hoặc tương phản trong việc chọn cách chiếu sáng và kiểu đèn cho không gian sống. Hài hòa là chọn đèn cho từng phòng có sự đồng bộ với cả nhà về kiểu dáng, ý tưởng và cách thức chiếu sáng. Ví dụ nhà chủ yếu theo lối hiện đại, bề mặt trắng sáng nhiều thì chọn đèn theo kiểu đương đại đơn giản.
Ngược lại, nếu nhà theo phong cách hoài niệm xưa cũ thâm trầm, nhiều hoa văn chạm trổ thì chọn đèn “đồng thanh đồng thủ” với kiểu dáng nhà. Một số biệt thự, khách sạn, resort phải tìm mua đèn cổ hay đặt hàng thiết kế riêng đúng kiểu dáng, niên đại của phong cách nội thất.
Nếu theo cách tương phản thì lấy sự đối lập để nổi bật yếu tố nào là chính hay phụ, giúp tách bạch các bề mặt và chi tiết trong nội thất. Ví dụ, mặt bằng nhà vuông vức nhưng các bộ đèn chọn lựa chủ yếu là khối tròn, như một chủ ý tạo điểm nhấn khác biệt.
Hoặc toàn nhà lát sàn gỗ, thảm nhưng kiểu dáng đèn lại là những ống kim loại cứng cáp để đảm bảo sự nổi bật.
ĐẶNG TẤN NAM
(KIẾN TRÚC SƯ)
Khác với đèn chiếu sáng cơ bản, đèn trang trí (đèn chùm, đèn rọi tranh, đèn chiếu điểm, đèn cây đứng, đèn bàn… ) thường được mua sau khi đã hoàn thành xây dựng để gia chủ và kiến trúc sư có thêm thời gian chọn lựa, phối hợp với các phần trang trí khác như tranh ảnh, rèm cửa, bàn ghế…
Nếu ngôi nhà được thiết kế đơn giản, tránh chọn những kiểu đèn quá cầu kỳ, nhiều góc cạnh vừa dễ bám bụi vừa thiếu hòa hợp. Cần tham khảo thêm về các chỉ số, đo lường chiếu sáng để đảm bảo cho không gian đầy đủ ánh sáng.
Kiến trúc nhà ở cần sáng sủa quang đãng, nhưng phải là sự sáng sủa có kiểm soát và tiết chế. Ánh sáng gián tiếp thường đem lại cảm giác dễ chịu hơn cho mắt nhìn do đó trong nội thất cần dùng hệ thống đèn có chụp bao che, phản quang, tán xạ.
Bố trí ánh sáng cho nội thất theo tôi cũng cần sự quan tâm đến việc tính toán vị trí đèn so với chủ thể. Ví dụ trong phòng ngủ thì vị trí nằm trên giường là chủ thể chính, các vùng chung quanh trái – phải – trước – sau, trên đầu, dưới chân… là các chỗ tương ứng có tính chất không giống nhau về đặc điểm, nhu cầu sử dụng.
Cụ thể hai bên giường thường bố trí đèn bàn hoặc đèn treo thả xuống có điều chỉnh được cường độ sáng. Tránh dùng đèn rọi gay gắt vào mặt người nằm, còn các vùng xa giường có thể dùng đèn đứng hay đèn thả để tạo điểm nhấn. Tóm lại, không thể “rải đèn” tràn lan, đều đặn mà không chú ý đến không gian xoay quanh chủ thể.
LÂM VỸ DÂN
(DOANH NHÂN, KINH DOANH ĐÈN TRANG TRÍ)
Khi đêm xuống, nhiều ngôi nhà trông rất bắt mắt, đó là do cách bố trí ánh sáng phù hợp. Một bộ đèn càng có hình thù hấp dẫn, kỳ lạ càng có tính nổi bật và kén chọn không gian. Dĩ nhiên đây không phải là nguyên tắc cực đoan, việc chọn đèn có thể linh hoạt, sao cho vừa hài hòa phù hợp với môi trường chung quanh, vừa có cá tính, vừa thể hiện được gu thẩm mỹ và phong cách sống của gia chủ.
Có nhiều giải pháp chiếu sáng nội thất, nhưng theo tôi có thể phân ra 2 kiểu. Kiểu chiếu sáng gắn với công năng mà vẫn bảo đảm thẩm mỹ, và kiểu chiếu sáng thiên về trình diễn, đòi hỏi kỹ thuật và loại đèn đặc biệt hơn bình thường. Kiểu thứ hai thường chỉ gặp ở các công trình có điều kiện về chi phí và có bộ phận chuyên môn chăm sóc như khách sạn, trung tâm thương mại.
Trong nhà ở thông dụng, ánh sáng có đẹp hay không cũng tùy thuộc nhiều vào bề mặt vật liệu hoàn thiện. Với không gian có mảng trang trí sậm màu thì đèn có ánh sáng mạnh, kiểu dáng nổi bật sẽ đem lại vẻ hấp dẫn, ấn tượng hơn. Còn không gian thuần một màu trắng xám, theo kiểu tối giản, thì những mảng trống có ánh sáng hắt viền gián tiếp thật nhẹ nhàng đi cùng kiểu đèn hiện đại sẽ là chọn lựa phù hợp.
Mặt khác, tùy theo giao tiếp đối nội hay đối ngoại mà sử dụng ánh sáng tương ứng, ví dụ cũng là đèn ngoài sảnh nhưng nếu là sảnh đón khách hướng trước nhà thì tính chào đón nhiều, cần chọn những loại đèn rực rỡ hơn là sảnh phụ, lối đi phía sau nhà.
Hoặc trong phòng khách đều có salon, ti vi, tủ kệ như phòng sinh hoạt gia đình, nhưng hệ thống đèn trên trần cần nhiều tầng bậc khác nhau, có thể bổ sung thêm đèn chùm để gia tăng tính nổi bật khi tập trung đông người. Trong khi đó phòng sinh hoạt thì ít đèn hơn, kiểu đèn mang tính giản dị và tĩnh tại, ánh sáng phân tán và dịu nhẹ hơn.
Thực hiện: LÊ HUY
Ảnh: VIỆT KHÔI
Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 9.2015
Về lại Trang chủ: Caitaonhasaigon.com
Tổng Hợp: Tư Vấn Sửa Chữa Cải Tạo Nhà